Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Loại hình du lịch teambuilding phát triển

1 trong những trò chơi trong du lịch teambuilding
Tính đến 3 năm trở lại dây loại hình tour du lịch MICE kết hợp du lich teambuilding (xây dựng nhóm) đang trở thành xu hướng du lịch của hầu hết các công ty, tập đoàn nhằm kết hợp giữa tham quan, xây dựng tinh thần đồng đội, tạo hiệu quả tốt hơn trong kinh doanh từ những hoạt động trong chuyến đi với sự gắn kết chặt chẽ các thành viên, hiểu nhiều hơn về qui mô, sứ mệnh và trách nhiệm khi tham gia các trò chơi có định hướng do doanh nghiệp hoặc nhà tổ chức xây dựng nên.

Vì thế, để tăng sức hấp dẫn cho du lịch teambuilding các công ty lữ hành  luôn cố gắng thiết kế trò chơi độc đáo và phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng khác nhau. Trong đó nguồn nhân lực và ý tưởng là quan trọng, nên các công ty lữ hành hết sức đầu tư trọng tâm cho hai mảng này. Trước khi thiết kế tour, công ty du lịch sẽ phải thăm dò từ phía khách hàng để đưa ra ý tưởng, lên kịch bản chi tiết.  Đơn vị tổ chức tour sẽ phải nắm bắt tâm lý của khách để đưa ra những chương trình hợp gu cho từng phòng trong công ty, chẳng hạn phòng kỹ thuật thích những trò chơi, hoạt động mang tính thể thao; phòng marketing lại thích tiếp xúc, trao đổi với các đại lý, người bán hàng tại các địa phương để tìm hiểu sản phẩm…

Anh Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng truyền thông Vietravel cho biết, teambuilding được chia theo tính đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp, mức độ khó, dễ khác nhau và ý nghĩa của từng câu chuyện, doanh nghiệp phải làm cho du khách hài lòng về ý tưởng, các hình thức tổ chức, đảm bảo thời gian, kinh phí, đặc biệt là thể hiện ý nghĩa mà công ty muốn gửi gắm đến cán bộ - nhân viên. Vì thế, khó khăn hiện nay đối với việc tổ chức tour team-bulding là đầu tư sáng tạo hệ thống sản phẩm phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó việc tổ chức cần phải được giám sát chặt chẽ từ ý tưởng, triển khai và sự thành công của sự kiện không những tạo được uy tín cho doanh nghiệp lữ hành mà còn cho cả công ty tập đoàn tổ chức sự kiện trên.

Hiện nay, các công ty du lịch phát triển mạnh tour này phải kể đến như Vitour, Vietravel, Saigontourist, Vietmark… Trong năm 2011, Saigontourist phục vụ hơn 200.000 du khách quốc tế (tăng hơn 60% so với năm 2010) với các chương trình du lịch thuần túy và du lịch kết hợp hội nghị, teambuilding đa dạng từ đường hàng không, đường bộ, đường sông và đường tàu biển. Vietravel cũng là đơn vị tổ chức tour teambuilding hút khách doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với mức tăng trưởng khá cao hàng năm từ 30% - 35%. Dự kiến mức tăng trưởng của loại hình tour teambulding năm 2012 của Vietravel sẽ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

7 loại hình teambuilding

TeamBuilding là một hoạt động mô phỏng thực tế và thông qua đó, giúp mô phỏng (một cách khá chính xác) cách thức thực tế mà mỗi cá nhân và/hoặc mỗi nhóm người sẽ phản ứng lại với các tác động của môi trường làm việc, qua đó có thể hình dung được trên thực tế điều gì sẽ diễn ra với các giả định được ứng dụng trong quá trình xây dựng hoạt động teambuilding.

Lợi ích của các hoạt động teambuilding sẽ được phát huy tối đa khi phối hợp được giữa mục tiêu của sự kiện với hình thức thể hiện. Thông thường, chúng ta thường thấy có 7 loại hình teambuilding sau đây:

Loại 1: Xúc tác để các nhóm hình thành các đội (transform groups into teams)
Trong loại hình này, nhà tổ chức thường chọn dạng thể hiện là các hoạt động dã ngoại để thông qua môi trường dã ngoại, mỗi thành viên sẽ có cơ hội làm việc với nhau một cách bắt buộc và với quy luật “thay đổi hành vi sẽ dẫn đến thay đổi nhận thức” thì một đội sẽ được tạo ra từ từng thành viên rời rạc của một nhóm.
Trong trường hợp tổ chức trong nhà thì hiệu quả của loại hình này thấp hơn là các hoạt động ngoài trời. Khi tổ chức trong nhà thì yêu cầu về hình thức trở nên rất quan trọng vì hiệu ứng đoàn kết sẽ khó xuất hiện hơn.

Loại 2: Thay đổi trạng thái của các đội từ thấp lên cao
Các điểm chuyển đổi trạng thái của một đội là: Bắt đầu từ khi mới hình thành (forming) rồi phân chia vị trí (norming) và cọ xát nội bộ giữa các thành viên (storming) cho đến khi cả đội đạt đến trạng thái cân bằng và hiệu quả cao trong phối hợp nhóm (performing).

Tại mỗi điểm chuyển đổi luôn xảy ra sự tích tụ theo quy luật "lượng đổi thành chất".

Hoạt động teambuilding trong loại hình này đòi hỏi phải được thiết kế theo mô hình dồn nén các hiện tượng và hoạt động để đến một thời điểm thích hợp sẽ tự xuất hiện một giải pháp tổ chức mới mà trước khi bắt đầu cuộc chơi không ai nghĩ đến.

Sự kết hợp giữa lãnh đạo đơn vị với người thiết kế chương trình sẽ bảo đảm cho thành công.

Loại 3: Củng cố hoặc tái khẳng định giá trị của một tập thể, thông thường là giá trị văn hóa doanh nghiệp, văn hóa tổ chức.
Hình thức của các hoạt động dạng này không phụ thuộc môi trường trong hay ngoài trời.

Điểm nhấn của các hoạt động teambuilding này thông thường là một kết quả của cả chuỗi hành động, khi đến thời điểm quyết định sự thắng bại của trò chơi thì mọi người sẽ cùng nhận ra được ý nghĩa của trò chơi chính là việc ứng dụng văn hóa doanh nghiệp để tạo nên chiến thắng.

Loại 4: Truyền đạt một thông điệp cụ thể của lãnh đạo, thông thường áp dụng khi một tổ chức có người lãnh đạo mới.
Lãnh đạo mới thường có xu hướng tìm hiểu xem bộ máy trong tay mình có tính cách như thế nào và ai cũng biết rằng tính cách dễ dàng bộc lộ nhất thông qua các hoạt động bên ngoài môi trường quen thuộc.

Nhu cầu rõ ràng của những lãnh đạo mới sẽ được thể hiện một cách sáng tạo và qua đó không chỉ lãnh đạo hiểu được tính cách của hệ thống mình được giao mà còn giúp cho từng nhân viên hiểu thêm được tính cách và động cơ làm việc của chính mình.

Loại 5: Thử nghiệm phản ứng của một tổ chức khi có sự thay đổi, thường áp dụng khi muốn tránh rủi ro trên thực tế bằng cách đưa ra các môi trường giả định để đánh giá khả năng thành công của ý tưởng mới.
Trong loại hình hoạt động này, sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà tổ chức là quan trọng nhất trong việc bảo đảm thành công theo ý muốn.

Những trò chơi trong loại hình này thường là các trò chơi lớn, thậm chí còn có nhiều thiết kế kéo dài đến 2 ngày 1 đêm (một số nơi thích hợp để tổ chức trò chơi, xem tại du lich teambuilding).


Loại 6: Kích thích tinh thần nhân viên để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới về chất của một tổ chức, thông thường áp dụng cho các doanh nghiệp.
Loại hình này nhất thiết phải tổ chức ngoài trời mới phát huy được hiệu quả.

Thông điệp vào cuối mỗi công đoạn cũng như kết thúc tổng thể là điều bắt buộc trong các tiêu chí thiết kế các trò chơi liên hoàn.

Loại 7: Xây dựng một văn hóa thông cảm, yêu thiên nhiên và thông qua thiên nhiên mỗi người tự hiểu sâu hơn về chính mình, về đồng nghiệp, thường được áp dụng cho các tổ chức xã hội, chính quyền hoặc bệnh viện, trường học...
Đây là dạng teambuilding khó thực hiện nhất.
Loại hình này luôn yêu cầu người chơi phải ở ngoài trời.
Một khoảng lặng cần có để mỗi người tự có thời gian để chiêm nghiệm được ý nghĩa của trò chơi và qua đó hoàn thiện chính mình.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Chương trình Teambuilding


Thông thường khóa học Teambuilding thường được các công ty tổ chức kết hợp với chuyến tham quan, nghĩ mát hàng năm của mình. Họ sẽ thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện chương trình Teambuilding. Sau khi thực hiện xong Teambuilding, họ sẽ tiếp tục các chương trình riêng của công ty.


Số luợng học viên tham gia Teambuilding lý tưởng cho một lớp là từ 15 đến 30 người cùng làm việc chung trong cùng công ty. Teambuilding có thể được tổ chức cho những công ty có từ 100 đến 200 nhân viên cùng tham dự, tuy nhiên công tác tổ chức phải hết sức quy mô và chi tiết.

Dụng cụ là một vấn đề quan trọng không thể thiếu trong các chương trình Teambuilding, số người tham gia càng đông, dụng cụ càng nhiều và cồng kềnh vì thế đơn vị tổ chức Teambuilding luôn cần một đội ngũ nhân viên chuẩn bị và hỗ trợ trước và trong thời gian thực hiện Teambuilding.

Đơn vị thực hiện Teambuilding có thể sẽ đứng ra tổ chức chương trình hoặc có thể thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, khách sạn cho học viên.

Teambuilding có thể kết hợp thêm chương trình gala dinner thực hiện trong buổi cơm tối để tạo thêm niềm vui, hiểu biết và đoàn kết.

Thời lượng chương trình và địa điểm tổ chức Teambuilding như thế nào cho phù hợp?
Tuỳ vào nhu cầu của doanh nghiệp, thường thì thời gian thực hiện Teambuilding từ 1 đến 2 ngày, phần lớn là tại các khu vực ngoài trời có địa hình đa dạng khác nhau như bãi đất trống, hồ bơi, bãi biển, núi, rừng …

Thông thường theo kinh nghiệm của chúng tôi, Teambuilding được thực hiện tốt nhất tại các resort nơi có nhiều địa hình khác nhau để lựa chọn. Hiện tại ở miền Nam, các resort tại Mũi Né - Phan Thiết, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt hoặc tại khu du lịch Bình Quới, Đầm Sen, Văn Thánh – TPHCM là những địa điểm lý tưởng được lựa chọn.

Vai trò của những người thực hiện Teambuilding là gì?
Facilitator (giảng viên): chịu trách nhiệm chính về chuyên môn của chương trình là người nhận các yêu cầu từ doanh nghiệp, thiết kế chương trình phù hợp trước khóa học nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Trong thời gian thực hiện chương trình, facilitator nêu các câu hỏi, hướng dẫn học viên thảo luận, trao đổi, chia sẻ và đúc kết bài học sau mỗi trò chơi. Số lượng facilitator tuỳ thuộc vào số lượng học viên. Bình quân 1 facilitator có thể quản lý được 50 học viên.
Assistant (trợ giảng): chịu trách nhiệm chuẩn bị dụng cụ trước khóa học, vận chuyển và bảo quản dụng cụ, hướng dẫn trò chơi và hỗ trợ học viên trong khi thực hiện. Số lượng assistant thông thường gấp đôi số lượng facilitator.


Những hạn chế có thể có trong chương trình Teambuilding?
Học viên sa đà vào tính thắng thua quá mức mà quên đi ý nghĩa chính của khóa học. Thay vì xây dựng được tinh thần đoàn kết, thì có thể vài thành viên tạo ra sự chia rẽ do tính không trung thực trong khi chơi.
Học viên quá hăng say, vui vẻ có thể quên đi ý nghĩa cần thu lượm được từ các trò chơi.

Các đơn vị tổ chức chương trình quá hướng nhiều vào trò chơi mà ít đề cập đến bài học rút ra từ các trò chơi này. Trường hợp này xảy ra khi các đơn vị tổ chức Team building là các công ty du lịch, không có facilitator giỏi.

Địa điểm tổ chức không phù hợp với các trò chơi được thiết kế từ trước. Để tránh điều này, đơn vị tổ chức cần phải khảo sát trước.

Tìm hiểu về TeamBuilding


Hàng năm, trên thế giới tốn hàng chục tỷ đô la cho TeamBuilding, vậy TeamBuilding là gì? Nó có phải là chiếc đũa thần có thể biến tất cả những rắc rối của Doanh nghiệp trở nên hoàn hảo hơn hay không?

Teambuilding (Xây dựng đội ngũ) là gì?

Team building thực chất là một khóa học (thông thường được tổ chức ngoài trời) dựa trên các trò chơi khác nhau để cho học viên (những người tham gia) trải nghiệm các tình huống trước sau dựa trên các câu hỏi của giảng viên (facilitator) để rút ra các bài học thực tiễn trong công việc, nhằm điều chỉnh thái độ và hành vi cá nhân trong khi làm việc chung với nhau cùng hướng đến mục tiêu chung của tổ chức.

Những tổ chức nào cần thực hiện Teambuilding?

Teambuilding là khóa học cần thiết cho hầu hết các đơn vị trong đó cần có sự phối hợp làm việc của các cá nhân và bộ phận khác nhau trong cùng một tổ chức. Teambuilding lại càng thực sự cần thiết cho những tổ chức mà ở đó xuất hiện những mâu thuẩn và thiếu đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên và bộ phận. Ngoài ra Teambuilding cũng cần thiết cho các tổ chức có nhiều văn phòng chi nhánh đặt tại các vùng miền địa lý khác nhau trên cả nước và nước ngoài. Đây còn là dịp để cho các thành viên hiểu biết và tăng cường quan hệ làm việc với nhau.


Kết quả của Teambuilding là gì?

Sau một khóa học Teambuilding, các ý nghĩa thường được rút ra là:
Việc giao tiếp với nhau dễ dàng và hiệu quả hơn nhất là đối với các nhân viên không cùng chung một bộ phận trong công ty, hoặc những người cùng chung bộ phận nhưng ít có dịp làm việc chung với nhau.

Thực tập trở thành team leader thông qua việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, phân công công việc, bố trí, sắp xếp các thành viên và tài nguyên hợp lý để hướng đội đến việc đạt mục tiêu chung.

Dựa trên sức mạnh tập thể để sáng tạo và đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.

Nhận biết tính cách của các thành viên khác trong đội, điểm mạnh và điểm yếu của từng người để cùng bổ sung và phối hợp với nhau làm việc tốt hơn.

Khả năng dự báo, lập kế hoạch, đề phòng rủi ro, xử lý các tình huống bất ngờ …

Quản lý và sử dụng tốt tài nguyên của doanh nghiệp.

Xây dựng được tinh thần đoàn kết, niềm tin lẫn nhau, tính cạnh tranh lành mạnh giửa các đội với nhau, nhận ra được “bức tranh toàn diện” và cùng hướng đến thành công chung của tập thể công ty.

Tạo ra bầu không khí thư giãn, thoải mái, vừa vui vừa học để giảm stress trong công việc hàng ngày.

Ngoài ra tùy vào tính chất công việc và yêu cầu của ban lãnh đạo công ty, ban tổ chức chương trình Teambuilding có thể sẽ đưa vào các ý nghĩa khác dành riêng cho các bộ phận bán hàng, dự án, sản xuất …